>>
Hoa Lan Đan Hoài - Hiệu quả lớn từ một dự án21/10/2016 11:19:27
Mã số 01C-05
 Cấp quản lý  Thành phố
 Đơn vị chủ trì  Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội
 Thời gian thực hiện  

Nội dung:
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, nhu cầu các loại hoa cao cấp tăng mạnh. Nắm bắt được nhu cầu đó, HTX Đan Hoài thuộc huyện Đan Phượng, Hà Nội đã nghiên cứu thành công đề tài khoa học “Nghiên cứu thử nghiệm một số giống hoa chất lượng cao trong nhà lưới tại Đan Phượng – Hà Nội”. Đề tài đã xác định được một số chủng loại hoa chất lượng cao phù hợp với Huyện Đan Phượng và ứng dụng hiệu quả một số quy trình tiên tiến trong trrồng hoa thương phẩm.
 
Để phát huy kết quả của đề tài, góp phần phát triển nghề trồng hoa ở Hà Nội thành một ngành sản xuất lớn, mang tính công nghiệp, HTX Đan Hoài được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai thực hiện dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng – Hà Nội”. Dự án năm trong khuôn khổ chương trình “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2006 - 2010” do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
 
Mục tiêu của đề tài là: ứng dụng công nghệ tiên tiến trong việc nhân giống, trồng, xử lý củ giống, bảo quản và tiêu thụ hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp, nhằm tạo ra vùng sản xuất hoa tiên tiến, hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
 
Từ mục tiêu trên, dự án xác định các nhiệm vụ cụ thể và phương pháp tổ chức thực hiện. Qua 2 năm triển khai, dự án đã hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, đảm bảo tiến độ thực hiện và các yêu cầu quản lý của dự án.
Dự án đã xây dựng thành công mô hình nhân giống hoa lan Hồ điệp, lan Vũ nữ bằng phương pháp nuôi cấy mô, trên diện tích 100m2 với quy mô 30 vạn cây giống/năm. Chất lượng cây giống sản xuất trong mô hình hoàn toàn đảm bảo đủ tiêu chuẩn về chất lượng, giá thành hạ, chủng loại phong phú và có thể thay thế cây giống nhập ngoại.
 
Chủ nhiệm dự án và các cộng sự cũng đã xây dựng được các mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo phương pháp công nghiệp trong nhà lưới và ngoài tự nhiên tại Đan Phượng – Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình sản xuất lan Hồ điệp trong nhà lưới hiện đại quy hô 2.000 m2, sản xuất được 60.000 cây / 2 năm, lợi nhuận đạt 300 – 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất lan Vũ nữ trong nhà lưới cấp II quy mô 2.000m2, sản xuất được 60.000 cây/2 năm, lợi nhuận đạt 300 – 400 triệu đồng/ha/năm; mô hình sản xuất hoa Loa kèn chịu nhiệt ngoài tự nhiên quy mô 30.000m2/2 năm, sản xuất được 400.000 cành, lợi nhuận đạt 130 – 200 triệu đồng/ha/năm.
 
HTX Đan Hoài cũng đã xây dựng hoàn chỉnh mô hình bảo quản xử lý củ giống hoa loa kèn sau thu hoạch, quy mô 25m3, cong suất 100.000 củ giống/lần bảo quản, thời hạn bảo quản 90 ngày, cho chất lượng củ giống tốt, đã cung cấp 200.000 củ giống hoa phục vụ sản xuất hoa thương phẩm. Cùng với đó là mô hình bảo quản hoa cắt được thực hiện trên quy mô 25m3, công suất 5000 cành/lần bảo quản, thời gian bảo quản 7 – 8 ngày, chất lượng hoa bảo quản tốt, tương được với lúc thu hoạch.
 
Dự án đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất hoa chất lượng cao theo hướng công nghiệp cho 5 cán bộ kỹ thuật và 200 lượt người bao gồm các cán bộ và nông dân vùng dự án về  các nội dung: phương thức tổ chức triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa; tạo lập thị trường tiêu thụ; tạo mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân và hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường.
Sau hai năm thực hiện dự án đã thu được lợi nhuận vào khoảng 2,5 tỷ đồng. Về khía cạnh xã hội, dự án đã thu hút một lực lượng lớn lao động trong vùng, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân. Qua các lớp tập huấn đã đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông dân có trình độ khoa học kỹ thuật, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp. Dự án đã bước đầu tạo dựng được mô hình liên kết “4 nhà”, khép kín quy trình sản xuất giống và hoa thương phẩm, thu hái và tiêu thụ hoa, làm tăng hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
 
Quá trình thực hiện dự án đã áp dụng các quy trình công nghệ cao, các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cùng với sử dụng một lượng lớn phân hữu cơ từ các hộ nông dân, làm cho người nông dân ý thức hơn về việc tận dung, thu gom phân hữu cơ, vừa tăng thu nhập vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn.. Ngoài ra, dự án đã tạo ra cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp cho một vùng ven đô.
 
Hoa ngày càng có vai trò quan trọng trong cuộc sống con người, những năm qua tốc độ phát triển hoa ở Việt Nam đã tăng lên một cách mạnh mẽ từ việc tăng diện tích canh tác đến tăng giá trị thu nhập từ nghề trồng hoa và tăng gấp nhiều lần so với các ngành nông nghiệp khác. Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất hoa chất lượng cao theo quy mô công nghiệp tại Đan Phượng – Hà Nội” được thực hiện trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ vào điều kiện thực tế của địa phương. Hiệu quả cũng như tính thực tế và khả thi của dự án là cơ sở để có thể áp dụng hình thành những vùng có điều kiện khí hậu, đất đai thuận lợi, có thị trường tiêu thụ và đầu ra tốt, hình thành những vùng trồng hoa lớn.

(14:15 21/04/2015)
Nguồn: http://vanban.hanoi.gov.vn/